Bài viết cập nhật thông tin về số lượng sân gôn và kế hoạch phát triển trong tương lai của các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia, Malaysia, Philippines và Indonesia. Theo dõi ngay để tìm hiểu kỹ hơn về tình hình ngành golf Đông Nam Á năm 2024!
Thị trường gôn Đông Nam Á khá đa dạng và năng động, với khoảng 1.000 sân golf trải dài trên 8 quốc gia. Mỗi nước có số lượng sân khác nhau, phản ánh rõ nét sự chênh lệch trong phát triển ngành cũng như mức độ đầu tư vào du lịch thể thao và cơ sở vật chất giải trí. Bức tranh này cho thấy cách mỗi quốc gia có chiến lược riêng trong việc phát triển ngành gôn, tạo nên một thị trường vừa hấp dẫn vừa cạnh tranh trong khu vực.
Trong cuộc đua phát triển sân gôn, Thái Lan đang dẫn đầu ấn tượng với con số 306, chiếm gần một phần ba tổng số sân trong khu vực. Theo sát phía sau là Malaysia và Indonesia, lần lượt với 252 và 181 sân, tạo nên bộ ba thống trị thị trường gôn Đông Nam Á. Đáng chú ý, ba quốc gia này cùng nhau nắm giữ hơn 70% tổng số sân gôn trong vùng, phản ánh tiềm năng lớn về du lịch gôn tại những điểm đến hàng đầu này.
Bạn muốn biết chi tiết hơn về số lượng sân gôn ở từng quốc gia? Hãy cùng khám phá ở phần tiếp theo!
Số lượng sân gôn tại mỗi quốc gia Đông Nam Á
Thái Lan
Thái Lan đứng đầu Đông Nam Á về số lượng sân gôn với 306 sân. Trải dài khắp đất nước, miền Trung có 210 sân, trong khi miền Bắc, Đông Bắc và miền Nam lần lượt có 39, 31 và 26 sân. Sự phân bố này mang đến cho những người chơi gôn cơ hội được trải nghiệm bộ môn thể thao này tại các khu vực địa hình và khí hậu khác nhau.
Malaysia
Quốc gia giữ vị thứ hai là Malaysia với 252 sân gôn. Mặc dù chưa đạt được số lượng sân gôn như Thái Lan, Malaysia ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong khu vực Đông Nam Á, với số người chơi gôn tăng 25%. Con số này cho thấy Malaysia đang nhanh chóng trở thành đối thủ đáng gờm đối với các quốc gia còn lại trên thị trường gôn Đông Nam Á.
Indonesia
Indonesia xếp hạng thứ ba với 181 sân gôn, nhưng tham vọng của họ không dừng lại ở đó. Khi Singapore đóng cửa các sân gôn công cộng, Indonesia đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội để lấp đầy khoảng trống này. Bằng cách định hướng tập trung vào những người yêu thích gôn muốn trải nghiệm ở nước ngoài, Indonesia đang nỗ lực vươn lên và cạnh tranh công bằng với các quốc gia láng giềng phía bắc trong lĩnh vực du lịch gôn.
Philippines
Philippines mang đến một khía cạnh lịch sử độc đáo cho ngành gôn Đông Nam Á. Dù chỉ có 118 sân - không phải số lượng lớn nhất khu vực, nhưng quốc gia này lại sở hữu sân gôn lâu đời nhất trong vùng. Sân Santa Barbara tại tỉnh Iloilo, được thành lập từ năm 1907, là minh chứng cho truyền thống gôn lâu đời của Philippines, góp phần tạo nên sức hấp dẫn riêng cho điểm đến này trong mắt những người yêu gôn.
Việt Nam
Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng trong ngành gôn, với 86 sân đang hoạt động hiện nay. Tham vọng của quốc gia này thể hiện qua kế hoạch tăng gấp đôi số lượng sân lên 200 vào năm 2025, cho thấy quyết tâm cạnh tranh với các nước dẫn đầu trong khu vực. Du lịch gôn tại Việt Nam đang trên đà bùng nổ, minh chứng là 30-40% khách quốc tế đã lựa chọn các tour du lịch gôn vào đầu năm 2023. Con số này phản ánh sức hút ngày càng tăng của Việt Nam trong bản đồ du lịch gôn của khu vực Đông Nam Á.
Singapore
Thị trường gôn tại Singapore đang ghi nhận những chuyển biến đặc biệt hơn so với các nước láng giềng. Mặc dù chỉ có 20 sân gôn, số lượng người chơi đã tăng đáng kể, từ 80.000 năm 2018 lên tới 120.000 vào năm 2022 (theo Báo cáo Tham gia Golf Toàn cầu R&A 2023). Sự gia tăng này cho thấy bộ môn gôn đang ngày càng được ưa chuộng tại đảo quốc sư tử mặc dù cơ sở vật chất còn hạn chế. Điều này có thể giải thích vì sao các nước lân cận đang nỗ lực thu hút những người chơi gôn từ Singapore.
Tuy nhiên, chính sách sử dụng đất của chính phủ Singapore lại đi ngược với xu hướng phát triển này. Trong chiến lược tái quy hoạch đất cho nhà ở và các mục đích khác, Singapore liên tục đóng cửa các sân gôn công cộng, trong đó phải kể đến sân Champions dừng hoạt động vào năm ngoái, và kể cả sân công cộng 18 lỗ cuối cùng tại Marina Bay cũng chính thức đóng cửa vào tháng 6/2024. Theo thông báo của chính phủ vào tháng 4, sân Mandai Executive, ban đầu dự kiến đóng cửa vào tháng 12/2024, đã được gia hạn thêm hai năm đến tháng 12/2026. Tình trạng này có thể thúc đẩy những người chơi gôn tại Singapore tìm kiếm cơ hội chơi gôn ở các quốc gia lân cận.
Lào
Lào cũng đang tìm cách phát triển ngành công nghiệp gôn với 11 sân hiện có. Chính phủ nước này, hợp tác với các nhà đầu tư Hàn Quốc, có kế hoạch xây dựng một sân gôn và khu nghỉ dưỡng mới có tên "Dream Land Lao" trên đảo Don Kangkhong ở sông Mekong, với mục tiêu thu hút từ 500 đến 1.000 khách mỗi tháng trong giai đoạn khai trương.
Campuchia
Tương tự, Campuchia đang cho thấy dấu hiệu tham gia vào cuộc đua du lịch gôn mặc dù sở hữu số lượng sân gôn ít nhất trong khu vực (7 sân). City Golf đang xây dựng hai sân 18 lỗ do Brian Curley thiết kế, với sân Đông dự kiến khai trương vào tháng 1 /2024 và sân Tây sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Số lượng sân gôn của một quốc gia phản ánh sự phát triển của ngành kinh doanh gôn tại quốc gia đó. Tận dụng những thông tin này, các nhà quản lý có thể đánh giá vị thế của các quốc gia trong khu vực, từ đó xác định được thị trường tiềm năng và tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.
Hãy theo dõi Asia Golf Journey để khám phá thêm nhiều thông tin chi tiết và cập nhật những xu hướng mới nhất tại một thị trường gôn năng động như Đông Nam Á.
Các thông tin chỉ đề cập đến sân gôn 18 hố. Nguồn: Asia Golf Journey, GolfLux, GolfPass, AleGolf, Club Managers' Association, Golf in Cambodia, Golf in Malaysia
TEEING UP CONNECTIONS - DRIVING SUCCESS
"Stay informed on trends, innovations & developments in the Asian Golf Industry"
📞 +84 982 117 466
Comments